BỘ LỌC Đóng lại

Thị trường chưa có “tia sáng”, môi giới bất động sản bị sa thải sẽ tiếp tục tăng

Số lượng nhân viên môi giới hiện còn hoạt động trên thị trường chỉ bằng khoảng 30-40% so với thời điểm cuối năm 2022…

Từ giữa năm 2022 tới nay, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung đã có nhiều diễn biến phức tạp và khó khăn chưa từng có trong khoảng 10 năm trở lại đây.

KHÓ KHĂN BỦA VÂY

Với việc thị trường khan hiếm sản phẩm, thiếu hụt khách hàng đã khiến các sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản bị đặt vào thế khó. Tình trạng khó khăn đến từ cả hai chiều, giống như 1 chốt chặn đầu và 1 chốt chặn sau, khiến cho các sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản không có cơ hội “trở mình”, bị dồn vào thế “hoang mang, vô định, khó có thể vùng vẫy”.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) thông tin tại buổi talkshow “Môi giới bất động sản và sứ mệnh vực dậy niềm tin thị trường bất động sản Việt Nam”, được tổ chức ngày 09/6/2023, tại TP.HCM.

Theo dữ liệu của VARs, năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng hơn 20% nguồn cung năm 2018. Đặc biệt, trong quý 1/2023, thị trường hầu như không đón nhận nguồn cung mới.

Sự sụt giảm nguồn cầu đã làm đứt gãy tập khách hàng hiện hữu và tiềm năng của môi giới bất động sản. Điều này cũng thể hiện ở tình trạng sản phẩm nghèo nàn, phần lớn đến từ các dự án cũ, không đủ sức hấp dẫn đối với khách hàng.

Bên cạnh đó, một loạt các biến tố đã tác động khiến niềm tin của khách hàng vào thị trường bất động sản ngày càng sụt giảm. Chẳng hạn, việc vay vốn mua bất động sản khó khăn trong, lãi suất cho vay quá cao cũng như khó khăn do tình hình kinh tế chung làm cho một lượng lớn khách hàng khó khăn về tài chính. Ngoài ra, lãi suất huy động cao đã thu hút lượng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng thay vì đầu tư cũng khiến cho thị trường bất động sản thêm ảm đạm.

30/09/23